"Ăn chắc mặc bền" như Hòa Phát, vì sao Chủ tịch Trần Đình Long và cộng sự vẫn phải đối mặt với 3 rủi ro tài chính khi điều hành tập đoàn này?
Những năm gần đây, Hòa Phát dường như đang hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho sự phát triển khi có rất nhiều lợi thế từ việc tối ưu hóa chi phí sản xuất do công suất lớn, sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng, sản phẩm HRC ít cạnh tranh trong nước,.. Tuy nhiên, như mọi doanh nghiệp khác, ông lớn này cũng phải đối mặt với không ít rủi ro trong kinh doanh.
"Ăn chắc mặc bền" là vậy, nhưng với một doanh nghiệp sản xuất như Hòa Phát, vẫn luôn phải đối mặt với những rủi ro về tài chính. Rủi ro tài chính được ví von như "cục tẩy nhỏ" xóa bớt đi lợi nhuận của doanh nghiệp. 3 rủi ro tài chính được nhắc đến nhiều nhất trong báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp là Rủi ro tín dụng, Rủi ro biến động tỷ giá và Rủi ro lãi suất.
"Muốn bán được hàng, tất phải cho nợ"
Điều này đã trở thành một quy tắc bất thành văn trong kinh doanh. Bỏ qua yếu tố độc quyền, bạn rất khó bắt gặp doanh nghiệp sản xuất nào đó, có hệ thống nhà phân phối, đại lý rộng khắp mà số dư khoản phải thu trên bảng cân đối lại bằng 0.
Thiết lập chính sách bán hàng cho trả chậm như thế nào để vừa cân đối được chi phí tài chính, vừa khuyến khích được các nhà phân phối, đại lý tiêu thụ sản phẩm lại vừa đảm bảo thu hồi được nợ, đó là cả một nghệ thuật của doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp, tùy theo đối tượng khách hàng (năng lực tài chính, sản lượng tiêu thụ và uy tín thanh toán của từng khách hàng), sản phẩm (sản phẩm và giá cả có mức độ cạnh tranh nhiều hay ít) cũng như chiến lược kinh doanh từng giai đoạn (mở rộng thị phần hay ổn định) sẽ ban hành ra chính sách "bán chịu" hợp lý trên cơ sở cân đối giữa các lợi ích và xung đột.
Với Hòa Phát, Ban Giám đốc (bao gồm các công ty con) đã thiết lập 1 chính sách tín dụng mà theo đó, mỗi khách hàng mới sẽ được phân tích riêng biệt về độ tin cậy của khả năng trả nợ trước khi đưa ra các điều khoản, điều kiện giao hàng và thanh toán cho khách hàng đó.
Hạn mức mua hàng trả chậm của mỗi khách hàng được tính toán, thể hiện số phải thu tối đa mà không cần phê duyệt của Ban Giám đốc. Hạn mức này được soát xét từng năm và không có tài sản bảo đảm.
Số dư phải thu khách hàng vào thời điểm cuối năm của Hòa Phát có chiều hướng tăng liên tục từ 2015 đến nay, từ 1.211 tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên 5.577 tỷ đồng cuối quý I/2022. Phải thu khách hàng tăng cùng chiều với doanh thu tăng và giữ tỷ lệ tương đối ổn định ở khoảng trên dưới 3% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Ngoài khoản mục phải thu chính là phải thu khách hàng, doanh nghiệp còn có số dư ở các khoản phải thu về cho vay và phải thu ngắn/dài hạn khác, tuy nhiên tỷ trọng nhỏ, không trọng yếu.
Tại ngày 31/12/2021, trong tổng số 5.662 tỷ đồng phải thu các loại, có hơn 97% là các khoản phải thu chưa quá hạn (trong hạn), số phải thu còn lại được phân loại theo số ngày quá hạn.
Công cụ thường được các doanh nghiệp đưa ra để xử lý rủi ro nợ không thu hồi được là trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi. Trong năm 2021, Hòa Phát đã trích mới gần 2,7 tỷ đồng và hoàn nhập gần 2,6 tỷ đồng chi phí dự phòng PT khó đòi.
Đến cuối quý 1/2022, số dư dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của Hòa Phát là 39 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với thời điểm đầu năm.
Rủi ro tỷ giá hối đoái với doanh nghiệp có cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu
Hòa Phát là doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị và xuất khẩu thành phẩm, vì vậy sự biến động tỷ giá ngoại tệ không khỏi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp. Nhất là trong giai đoạn mấy năm gần đây, Hòa Phát đang đầu tư rất lớn cho 2 dự án Hòa Phát Dung Quất 1 và 2, toàn bộ máy móc, thiết bị quan trọng đều được nhập khẩu.