Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 15/7: Tác động của đồng Euro giảm tới xuất khẩu Việt Nam?
Chủ đề hội nhập, năng lượng, giá xăng dầu... là các nội dung nổi bật dưới góc nhìn báo chí trong ngày hôm nay 15/7.
Xuất nhập khẩu vẫn là chủ đề được báo chí quan tâm. Báo Tuổi trẻ có bài “Việt Nam - EU còn nhiều dư địa trong hợp tác thương mại về nông sản”. Theo đó, đặt vấn đề làm sao để những nông dân nhỏ lẻ này có thể tiếp cận thị trường châu Âu, theo ông Wojciechowski - Cao ủy phụ trách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh trong lĩnh vực lương thực và cần tăng cường trao đổi về việc hợp tác để giảm những khác biệt.
"Chúng ta cần trao đổi kiến thức về tiêu chuẩn sản xuất và chúng tôi sẵn sàng hợp tác về các yêu cầu, tiêu chuẩn của chúng tôi đối với sản phẩm nhập khẩu", ông nói và cho rằng: "Vẫn còn không gian để tăng quan hệ thương mại chúng ta. Việc đó cũng rất quan trọng đối với an ninh lương thực của Việt Nam và EU".
Báo Bnews có bài “Bộ Công Thương nói gì về tác động của đồng euro mất giá đến xuất khẩu?”. Liên quan đến việc đồng euro mất giá nhiều nhất trong 20 năm gần đây sẽ ảnh hưởng ra sao tới xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU, chia sẻ với phóng viên TTXVN chiều 14/7, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng euro. Hơn nữa, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu và sẽ có lợi hơn. Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Báo Thanh niên phản ánh: Sau 3 lần tăng giá, một số nhà máy xi măng tính dừng sản xuất. Theo bài báo, hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: Từ tháng 3 đến nay, ngành xi măng đã tăng giá bán sản phẩm 3 lần với tổng mức tăng từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn. Mức tăng này vẫn chưa làm giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào nên một vài nhà máy phải dừng lò nghiền clinker do càng sản xuất càng lỗ.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam giải thích: Trước đây giá than nội địa chỉ dao động ở mức 1,8 triệu đồng/tấn, hiện đã tăng lên 4 triệu đồng/tấn, trong khi giá than cám 4b nhập khẩu tăng lên 5,5 triệu đồng/tấn. Dù giá than nội địa tăng cao, các doanh nghiệp cũng không thể mua được do than được ưu tiên cho nhiệt điện, nhập khẩu cũng gặp nhiều trở ngại do khó thuê tàu vận chuyển dù chấp nhận chi phí logistics cao ngất ngưởng. Trong khi đó, tỷ trọng than trong giá thành sản xuất xi măng chiếm 35 - 40%.
Cũng trên báo Bnews có bài viết “Bộ Công Thương sẽ theo dõi tiến độ nhập khẩu xăng dầu để điều hành”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm nay; trong đó “đòn bẩy” lớn nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt. Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, liên quan đến tiêu dùng, báo Pháp luật có bài “Bộ Công thương nói gì về 'cửa hàng tiện lợi bán cho khách 500m'?”. Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay những tiêu chí về cửa hàng tiện lợi hay trung tâm outlet được ban soạn thảo đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, tài liệu của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, và có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đặc biệt, quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia. Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
Thu Thủy