Dự án farmstay 'đứng hình' vì ranh giới kênh không rõ
Cùng một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trích lục bản đồ địa chính ở hai thời điểm khác nhau khiến một gia đình ở Tây Ninh điêu đứng khi tính làm dự án farmstay.
Theo đơn khiếu nại của bà Hoàng Anh Phương (được ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thu Thoa), mảnh đất của gia đình chị Phương có vị trí thuận lợi cho mô hình phát triển du lịch nghỉ dưỡng nhà vườn. Phía Bắc của đất giáp với kênh Tây, phía Tây giáp với kênh Tiêu Suối Lùn ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Cùng mảnh đất, trích lục 2 lần khác nhau
Theo bà Phương, GCN QSDĐ của gia đình được Sở TN&MT tỉnh cấp vào tháng 5/2020 gồm các thửa đất số 267, 268, 287; tờ bản đồ số 12. Trong trích lục bản đồ địa chính đính kèm theo GCN có hướng dẫn cụ thể về xác định ranh giới giữa đất sở hữu và kênh Tiêu Suối Lùn là 5m lưu không kể từ mép nước.
Với mong muốn làm dự án farmstay, bà Phương nhờ địa chính xã xác định ranh giới đất với kênh tiêu để làm hàng rào khu vực dự án. Bà Phương cho biết sau khi địa chính xã và đại diện xí nghiệp thủy lợi (đơn vị quản lý kênh tiêu) đến đo đạc thì đồng ý cho phép gia đình xây dựng theo đúng chiều dài mặt tiền đất được cấp kèm theo chừa đúng 5m lưu không như trích lục bản đồ địa chính quy định.
Sau đó, ngày 28-9-2021, UBND xã Chà Là chủ trì cuộc họp với nhiều thành phần tham dự: Đại diện phòng quản lý nước công ty TNHH khai thác thủy lợi Tây Ninh, đại diện Phòng NN&PTNN huyện Dương Minh Châu, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) chi nhánh Dương Minh Châu, đại diện quản lý kênh Xí nghiệp khai thác Thủy lợi Dương Minh Châu, đại diện địa chính xã và gia đình bà Phương.
Trong biên bản cuộc họp, đại diện UBND xã khẳng định rõ tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Tây Ninh và Xí nghiệp Thủy lợi Dương Minh Châu không có hồ sơ thiết kế của Kênh tiêu Suối Lùn nên không có cơ sở xác định “phạm vi vùng phụ cận” đối với công trình thủy lợi trên địa bản tỉnh Tây Ninh, theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 15-7-2019 của UBND tỉnh Tây Ninh.
Theo bà Phương, trong 3 biên bản cuộc họp liên tiếp sau đó, đoàn liên ngành từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh đều khẳng định không có cơ sở xác định “phạm vi vùng phụ cận” và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà gia đình chị Phương được cấp với “lưu không 5m kể từ mép nước” là đúng.
Khu đất nhà bà Phương (bên phải) phải lùi vào đúng đường màu đỏ theo yêu cầu của địa phương. Việc này gây khó cho bà Phương do đường ranh sẽ nằm trên khu vực ao và gây chồng lấn ranh với các khu đất khác. Ảnh: GĐCC
Cuối năm 2021 khi chuẩn bị làm hàng rào theo tinh thần các cuộc họp trên thì bất ngờ cũng chính UBND xã lại yêu cầu phía bà Phương dừng lại vì theo trích lục bản đồ địa chính cấp mới vào tháng 10-2021 của Văn phòng ĐKĐĐ huyện xuất hiện thêm “phạm vi vùng phụ cận” và đường bờ kênh của kênh Tiêu Suối Lùn.
Theo UBND xã Phạm vi vùng phụ cận này được xác định là 5m và đồng thời thêm đường bờ kênh có chiều rộng lên đến 4,86m, mở rộng đường bờ kênh từ 5m ban đầu lên đến gần 10m.
“Chiều dài nhà tôi giáp với kênh Tiêu Suối Lùn là 110m. Với việc xuất hiện thêm phạm vi vùng phụ cận và đường bờ lên đến 7.86m thì đẩy toàn bộ đất nhà tôi dịch chuyển vào trong và một phần đất bị chồng lấn lên thửa bên phải, nằm trên đất nhà hàng xóm. Điều này dẫn đến việc làm hàng rào phía giáp kênh không thực hiện được vì ranh giới mới bây giờ nằm trên mặt ao hiện hữu của gia đình”, bà Phương nói.
Các bên đối thoại tìm cách xử lý
Trong buổi đối thoại gần nhất của UBND huyện Dương Minh Châu và gia đình bà Phương vào ngày 2-3, ông Phạm Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Dương Minh Châu đã có kết luận về vụ việc.
Biên bản cuộc đối thoại viết: “Theo đó, đối với vị trí đất của bà Thoa (được ủy uyền cho bà Phương), chúng ta đã thống nhất kết quả đo đạc của Văn phòng ĐKĐĐ có tọa độ, đề nghị thực hiện theo vị trí đó. UBND huyện giao VP ĐKĐĐ, phòng TN&MT, UBND xã Chà Là thực hiện định vị lại một lần và có cắm mốc, hoàn thành vào giữa tháng 3.
Trong quá trình thực hiện còn vướng mắc thì cần có sự trao đổi với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn huyện để tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình bà Thoa sử dụng quyền sử dụng đất đúng theo quy định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau đó, ông Tín cũng xác nhận thông tin về buổi đối thoại với việc huyện sẽ đề nghị bà Thoa thực hiện xây dựng tường rào đúng vị trí tọa độ trên GCN QSDĐ.
Sau buổi đối thoại, bà Phương cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại vì địa phương vẫn chưa làm rõ tình pháp lý của trích lục bản đồ địa chính mới được cấp mới vào tháng 10-2021 mà gia đình được yêu cầu phải thực hiện.
Theo bà Phương khi gia đình làm theo trích lục bản đồ địa chính đi kèm cùng GCN QSDĐ được cấp cách đó một năm, tức vào tháng 9-2020 thì địa phương lúc đầu đồng ý, sau đó lại thay đổi và đưa ra trích lục mới có sự bổ sung vào đường bờ và phạm vi vùng phụ cận.
Sự bất nhất này đã làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và thiệt hại về kinh tế cho gia đình. Ngoài ra từ một người làm đúng theo GCN QSDĐ được cấp thì giờ đây gia đình bà lại mang tiếng là người đi lấn chiếm đất công.
“Tôi cần tìm ra câu trả lời về việc thiếu cập nhật thông tin đường bờ trên GCN QSDĐ là do trách nhiệm của cơ quan nào, trong khi hiện nay việc xây hàng rào trên mặt nước là điều bất khả thi với chúng tôi” – Bà Phương nói.