Gánh nợ đè nặng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam
Vinacomin đang gánh khoản nợ hơn 74 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 45 nghìn tỷ đồng, cùng khoản phải thu tăng cao và hàng tồn kho lớn.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện nằm trong danh sách các "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước đang gánh khoản nợ phải trả khổng lồ. Không những thế, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinacomin gặp nhiều khó khăn sau khi loạt lãnh đạo chóp bu bị kỷ luật, phải từ chức.
Nợ gấp 1,6 lần vốn
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu 2022, Vinacomin ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 74,4 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 44,4 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả hiện gấp 1,6 lần vốn sở hữu của Vinacomin.
Hai khoản lớn nhất của Vinacomin là nợ bạn hàng, hơn 12,6 nghìn tỷ đồng và vay thuê tài chính, hơn 30 nghìn tỷ đồng. Riêng các khoản vay thuê tài chính, Vinacomin ghi nhận khoản nợ ngắn hạn hơn 11,8 nghìn tỷ đồng và hơn 26,2 nghìn tỷ đồng vay dài hạn. Nợ vay lớn khiến trong nửa đầu năm ngoái, Vinacomin phải trả tới 1,1 nghìn tỷ đồng lãi suất vốn vay. Tính bình quân mỗi ngày, “ông lớn” ngành than phải trả tới hơn 6,5 tỷ đồng tiền lãi.
Vẫn theo báo báo, tổng tài sản của Vinacomin tại thời điểm giữa năm 2022 là hơn 120 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 48 nghìn tỷ đồng, tài sản dài hạn hơn 72 nghìn tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền hơn 7 nghìn đồng, chủ yếu đang được gửi ngân hàng. Doanh thu thuần đạt hơn 68,8 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 2 nghìn tỷ đồng và hơn 1,6 nghìn tỷ đồng.
Vinacomin đang đầu tư tài chính vào 15 công ty liên doanh liên kết (nhiều nhất là doanh nghiệp kinh doanh Nhà và Hạ tầng với 61 tỷ đồng) và 6 đơn vị khác với tổng số tiền hơn 4,2 nghìn tỷ đồng. Đáng nói, báo cáo về việc giám sát tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinacomin, Bộ Tài chính cho biết đến thời điểm 31/12/2020, công ty mẹ Vinacomin có các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, một số công ty con có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ và vẫn còn lỗ lũy kế.
Đơn cử như Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 30,8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 252 tỷ đồng, bằng 63% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ lũy kế là 21 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đồng Tả Phời lỗ 203,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 230,5 tỷ đồng, bằng 50,3% vốn điều lệ…
Đặc biệt hơn, một số đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính, phải đưa vào giám sát tài chính đặc biệt. Đơn cử như Công ty than Hà Lầm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hai năm liên tiếp cao hơn mức quy định (trên 10 lần). Một số đơn vị đầu tư vốn nhiều năm đến nay đã tạm dừng hoạt động, gây nên rủi ro thu hồi vốn. Bao gồm Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê…
Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Vinacomin lập phương án, thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất, xử lý các vấn đề tồn tại tài chính để có kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ - Vinacomin đảm bảo tính khả thi, hoàn thiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với việc đầu tư vào các công ty con, Bộ Tài chính cho rằng một số công ty con của Vinacomin cùng đầu tư vốn vào các công ty khác trong tổ hợp tập đoàn là chưa phù hợp với quy định. Vì vậy, các công ty con cần thoái vốn để đảm bảo tái cơ cấu Tập đoàn. Thực hiện trích lập, xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp theo đúng quy định.
Thấy gì từ các chỉ số tài chính cơ bản?
Đến ngày 30/6/2022, hàng tồn kho của Vinacomin lên đến hơn 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so hồi đầu năm. Chủ yếu là than thành phẩm chiếm hơn 11,4 nghìn tỷ đồng, nguyên vật liệu hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, chi phi sản xuất kinh doanh dở dang hơn 4,3 nghìn tỷ đồng, hàng hóa hơn 2,4 nghìn tỷ đồng…
Vinacomin hiện có khoản phải thu lên đến hơn 12 nghìn tỷ đồng, phần lớn là phải thu ngắn hạn. Những con nợ lớn nhất là Công ty mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 2,9 nghìn tỷ đồng, Formosa Hà Tĩnh hơn 260 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng…
Đặc biệt, tại thời điểm lập báo cáo, Vinacomin có hơn 270,8 tỷ đồng nợ khó đòi nhưng dự kiến chỉ thu hồi được 37,6 tỷ đồng. Phần lớn nợ khó đòi của Vinacomin quá hạn rất lâu, chỉ có hơn 7,3 tỷ đồng là nợ ngắn hạn từ 6-12 tháng. Còn lại hơn 194 tỷ đồng là nợ quá hạn trên 3 năm.
Thêm điểm đáng chú ý là việc chi dùng các phí quản lý doanh nghiệp. Chỉ trong nửa đầu năm, Vinacomin dành tới gần 2,7 nghìn tỷ đồng cho hạng mục này, trong khi phí cho bán hàng chỉ hết 2,3 nghìn tỷ đồng. Trong gần 2,7 nghìn tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp (trong đó chi phí nhân viên quản lý là hơn 1,16 nghìn tỷ đồng), có hai khoản mục là chi phí dịch vụ mua ngoài lên đến hơn 193 tỷ đồng và chi phí khác bằng tiền hơn 925 tỷ đồng.
Doanh nghiệp muốn kết quả sản xuất kinh doanh tốt đòi hỏi việc quản lý các phí doanh nghiệp hiệu quả. Không rõ Vinacomin quản lý thế nào mà hai khoản này đã tiêu tốn tới hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Thực tế, con số này của 6 tháng đầu năm 2021 cũng rất cao, hơn 1,11 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2022, Vinacomin cũng nhận tin không vui khi loạt lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát... để một số cá nhân, đơn vị vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư một số dự án, trong quản lý khai thác than, thậm chí một số bị xử lý hình sự. Riêng ông Lê Minh Chuẩn đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng và hành chính, phải từ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin.
Loạt lãnh đạo Vinacomin bị kỷ luật
Tại kỳ họp ngày 20-22/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy TKV nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Ba người bị cảnh cáo gồm ông Lê Minh Chuẩn (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên); Đặng Thanh Hải (Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc); Nguyễn Ngọc Cơ (Phó tổng giám đốc, nguyên Đảng ủy viên Tập đoàn).
Ông Phan Xuân Thủy, Đảng ủy viên, Phó tổng giám đốc TKV, bị khiển trách.
Ngoài kỷ luật một số lãnh đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy TKV chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vi phạm nêu trên.