Hạn chế rủi ro qua sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp
Với việc ra đời sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, chuyên gia cho rằng khi thị trường phát triển đi cùng sẽ có tổ chức phát triển các sản phẩm song song bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.
Khi có sàn giao dịch tập trung trái phiếu, nhà đầu tư sẽ dễ dàng tìm kiếm trái phiếu phù hợp.
Đại diện UBCKNN mới đây đã cho biết, sang năm 2022 sẽ đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường. Tìm hiểu rõ hơn về tác động của việc có một sàn giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp, phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường KB Việt Nam (KBSV).
- Thưa ông, ông đánh ra như thế nào về quyết định của UBCKNN khi đưa sàn HNX thành sàn giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển rất chậm do chúng ta chưa có một sàn giao dịch tập trung để thuận tiện cho việc giao dịch trái phiếu.
Hiện nay, giao dịch chủ yếu là sơ cấp, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bán ra thị trường cho nhà đầu tư, nhà đầu tư cá nhân sẽ mua vào. Tuy nhiên, hạn chế của thị trường sơ cấp là việc nhà đầu tư muốn bán sẽ rất khó.
Do đó, khi có một sàn giao dịch tập trung, có trái phiếu niêm yết trên thị trường, có người mua người bán và có hàng hóa niêm yết sẽ giúp kích hoạt thanh khoản cho thị trường trái phiếu thứ cấp. Như vậy, với việc đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp đi vào hoạt động trên HNX là động thái tích cực, giúp việc mua bán thuận tiện.
Bên cạnh đó, động thái này phù hợp với quy hoạch của UBCKNN xây dựng sàn HOSE tập trung vào cổ phiếu và sàn HNX tập trung vào trái phiếu, phải sinh và một số sản phẩm trái phiếu Chính phủ… đây là một định hướng hợp lý, lẽ ra phải đẩy nhanh từ lâu.
- Theo ông, từ trước đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tồn tại những rủi ro như thế nào mà nhà đầu tư nên lưu ý?
Rủi ro đầu tư vào trái phiếu từ trước đến nay vẫn luôn tồn tại. Giao dịch thứ cấp không làm mất đi rủi ro mà chỉ tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu thứ cấp.
Còn vể mặt rủi ro, chúng ta vẫn biết liên quan đến mặt thông tin, khi chưa có nhiều hệ thống pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư. Có thể nhà đầu tư chưa thực sự tìm hiểu kỹ, hoặc chưa có các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để đưa ra các lời khuyến, khuyến nghị để mua trái phiếu. Nhiều người có tâm lý chỉ quan tâm đến lãi suất trái phiếu cao để mua chứ không đánh giá đến câu chuyện rủi ro.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do thị trường trái phiếu chưa phát triển do chưa có một sàn giao dịch tập trung. Tôi cho rằng, khi có một sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tập trung như HNX, sau đó sẽ xuất hiện các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trái phiếu cho doanh nghiệp, từ đó phân loại các hạng trái phiếu hạng A, hạng B… cho nhà đầu tư.
Như vậy, khi thị trường phát triển đi cùng sẽ là các đơn vị song hành, các tổ chức phát triển các sản phẩm song song bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Hiện tại khi thị trường chưa phát triển sẽ còn tồn tại nhiều rủi ro hơn.
- Theo ông, nhà đầu tư cần tìm hiểu ra sao để tránh các công ty “bẫy” lãi suất?
Thực chất, đối với các doanh nghiệp đã niêm yết việc tìm kiếm thông tin liên quan doanh nghiệp rất đơn giản. Chúng ta có đọc các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, hoặc lên đọc báo cáo tài chính để đọc về chỉ số vay nợ, tỷ lệ thanh khoản có rủi ro hay không… để phân tích được không khó. Có thể xem được định giá của doanh nghiệp cao hay thấp, khi doanh nghiệp được định giá cao thường sẽ là các doanh nghiệp tốt.
Nhưng khó khăn ở đây là trường hợp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là doanh nghiệp chưa niêm yết, khi đó, việc tìm kiếm thông tin tương đối khó khăn. Báo cáo tài chính có độ minh bạch thấp, đơn vị kiểm toán không có độ tin tưởng cao. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu họ đưa ra thường rất cao và hấp dẫn. Đây là bài toàn khó và cần những đơn vị xếp hạng tín nhiệm chuyên nghiệp để có thể “đào sâu” hơn tìm kiếm các thông tin. Còn đối với các nhà đầu tư cá nhân thông thường tương đối khó tiếp cận. Tôi thường khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn những trái phiếu có mức lãi suất vừa phải từ 9-10%/năm, còn những mức lãi suất cao hơn cần tìm hiểu kỹ.
Xin cảm ơn ông!
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp chọn phương thức phát hành riêng lẻ với thủ tục đơn giản thay vì phương thức phát hành rộng rãi ra công chúng do phải tuân thủ Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải tự đánh giá mức độ rủi ro. Ðối với hoạt động đầu tư tài chính, thông tin là yếu tố quan trọng nhất nhưng đây lại là điểm yếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn trên thị trường không bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, vì thế tính minh bạch thông tin thị trường nói chung và thông tin doanh nghiệp phát hành nói riêng đều kém. Hiện cả nước mới có duy nhất một tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Nhà đầu tư rất khó hiểu rõ tài liệu công bố thông tin dài hàng trăm trang với nhiều điều khoản mập mờ, nhất là thông tin về tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp... Vì vậy, nhà đầu cần thận trọng và lưu ý tính minh bạch của báo cáo tài chính doanh nghiệp, tính pháp lý của kênh phát hành và dự án. |
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/han-che-rui-ro-qua-san-giao-dich-trai-phieu-doanh-nghiep-thu-cap-209015.html