A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp lại chật vật tuyển lao động

Khi có đơn hàng, nhà máy lại thiếu người để sản xuất, đây là thực trạng chung mà nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương đang gặp phải hiện nay.

Doanh nghiệp lại chật vật tuyển lao động- Ảnh 1.

Doanh nghiệp đặt bàn tuyển dụng ngoài đường để tìm công nhân. Ảnh: H.C

Những ngày đầu tháng 3, phóng viên Tiền Phong đi thực tế để ghi nhận tình hình tuyển dụng lao động trong các khu công nghiệp (KCN) lớn tại Bình Dương như: Kim Huy, Đại Đăng, Sóng Thần, VSIP... Nhiều công ty đặt bảng tuyển dụng lao động, bố trí bàn, nhân viên tiếp nhận hồ sơ xin việc ra cả ven đường gần cổng Cty. Các DN đều đưa ra mức thu nhập hấp dẫn từ 8-12 triệu đồng/tháng trong thông báo tuyển dụng song người đi tìm việc “đếm trên đầu ngón tay”. Cũng có người đến nộp hồ sơ xin việc, nhưng bị từ chối ngay từ đầu với lý do DN chỉ cần lao động có tay nghề.

Đứng tiếp nhận hồ sơ xin việc trên đường trong KCN Sóng Thần (Bình Dương), chị Lưu Uyển, phòng nhân sự Công ty Esprinta VN cho biết, công ty cần tuyển 500 công nhân may và nhiều vị trí khác với tổng thu nhập trên 8,5 triệu đồng/tháng. Suốt nhiều ngày không tìm đủ lao động, công ty đưa ra mức thưởng cho người giới thiệu là 1 triệu đồng/công nhân được nhận vào làm việc.

Tại Công ty Premier Global (KCN VSIP Bình Dương), hiện nay đã có đơn hàng ổn định, cần tuyển 1.000 công nhân may. Công ty sẵn sàng nhận công nhân mới, vẫn trả lương trong thời gian học việc. Phụ trách công tác tuyển dụng, một cán bộ nhân sự Công ty Premier Global cho biết, sau Tết tình hình tuyển dụng lao động gặp khó khăn. Một số công nhân về quê không quay trở lại khiến nhà máy bị thâm hụt lao động. Bên cạnh đó, công ty mở rộng quy mô sản xuất, cần bổ sung lao động song số lượng đến nộp hồ sơ ít.

Từ nhu cầu của DN, các đơn vị cung ứng nhân lực đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều phương án để thu hút lao động trong và ngoài tỉnh song kết quả chưa được khả quan. Ông Trần Văn Hùng, đại diện Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Bình Dương cho biết, đã làm đủ mọi cách, nhưng số lượng lao động đến nộp hồ sơ xin việc hạn chế.

Theo các công ty cung ứng nhân lực, hoạt động tuyển dụng lao động hiện nay gặp khó là hệ quả từ làn sóng sa thải công nhân khi DN thiếu đơn hàng sản xuất. Trong hai năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hàng chục nghìn lao động bị cắt giảm, sau khi mất việc họ đã trở về quê hoặc thay đổi công việc, quen với nghề bán thời gian như giúp việc nhà, bán vé số, phụ hồ…

Nhằm giúp DN trong việc bổ sung nguồn lao động thiếu hụt, ngành chức năng tại tỉnh Bình Dương bố trí nhân sự tư vấn, giới thiệu việc làm cho các trường hợp đến đăng ký nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc để kết nối với DN đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết thêm, hiện nay các nhóm ngành nghề bị mất đơn hàng nhiều như chế biến gỗ, da giày và may mặc đã có sự phục hồi khá tốt. DN trong các ngành này đang có nhu cầu bổ sung thêm lao động, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người đang có nhu cầu tìm việc.

Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, nhu cầu việc làm của người lao động sẽ tăng mạnh và kéo dài đến hết quý 2/2024. Có khoảng 35.000 lao động tham gia vào thị trường cung lao động (trong đó độ tuổi từ 18-45 chiếm đa số). Với số lượng này, đủ đáp ứng cho nhu cầu của các DN trên địa bàn.

Theo ông Tuyên, để giữ chân và thu hút lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng, các DN cần có chế độ lương, phúc lợi thỏa đáng. Đồng thời, DN cần tạo môi trường về an toàn vệ sinh lao động, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động nâng cao tay nghề.

Ngày 12/3, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân- Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, qua khảo sát cho thấy, doanh nghiệp tại Bình Dương gặp khó trong tuyển dụng lao động sau Tết vì nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do ở hầu hết các tỉnh hiện nay đã có khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp ra đời. Nhiều lao động sau khi trở về quê đã quyết định ở lại để xin việc làm. Mức lương công nhân lao động ở Bình Dương tuy có cao hơn song nhiều người vẫn muốn làm việc ở quê nhà để gần gia đình, người thân.


Tác giả: PV Tiền phong
Nguồn:https://cafef.vn/doanh-nghiep-lai-chat-vat-tuyen-lao-dong-188240313071652713.chnc Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết