A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp Việt cần chiếm lĩnh “sân nhà”

Trong đại dịch, thị trường nội địa đã trở thành “điểm tựa” giúp các DN Việt vượt bão khi hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thị trường nội địa không chỉ là bệ đỡ mà cần phải trở thành thị trường chính mà các DN hướng tới. Chỉ khi đã đứng vững trên sân nhà, DN Việt mới có thể “đem chuông đi đánh xứ người”.

Nỗi lo hàng ngoại tràn về

Nhìn lại năm 2020, sân chơi hội nhập của Việt Nam đã ngày càng mở rộng với việc ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) lớn như EVFTA, RCEP, UKVFTA... Đây được coi là “đòn bẩy” để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua và cả trong năm 2021. Tuy nhiên, song song với cơ hội để hàng Việt tìm đường ra thế giới, các FTA cũng đã khiến hàng ngoại ồ ạt tràn về với thuế quan ưu đãi, tạo nên thách thức cạnh tranh với hàng hóa nội địa.

Minh chứng là theo số liệu từ Bộ Công thương, trong 3 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, Việt Nam đã xuất khẩu 11,08 tỷ USD sang các nước châu Âu (EU), tăng 5% so cùng kỳ; đồng thời xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng tăng tới 11%, đạt 4,9 tỷ USD… Theo dự báo của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29% (tương đương khoảng 15 tỷ euro) vào năm 2035.

doanh nghiep viet can chiem linh san nha

Doanh nghiệp Việt cần chiếm lĩnh sân nhà trước khi vươn mình ra thế giới

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá, bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại thì DN Việt đứng trước nhiều thách thức và khó khăn khi hàng hóa của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ ưu đãi thuế quan, khiến thị trường trong nước không còn là “sân nhà”.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trở thành một “miền đất hứa” đối với DN ngoại khi gần 1/6 dân số đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày). Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn mà còn chất lượng tốt hơn.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, DN Việt đang trở thành nguồn cung của nhiều nước trên thế giới nhưng lại “thờ ơ” ở chính thị trường nội địa. Khi các FTA được ký kết có hiệu lực, hàng hóa từ các nước sẽ tràn về Việt Nam kèm theo nhiều ưu đãi. Với thế mạnh về bao bì hấp dẫn, chất lượng sản phẩm tốt, giá cả ưu đãi, hàng ngoại sẽ có cuộc “so găng” mạnh mẽ với hàng nội ngay trên sân nhà. Đối mặt với những thách thức này, nếu DN nội không nhanh chân sẽ mất lợi thế, không chỉ với hàng hóa từ EU mà còn cả chính bởi các nước láng giềng.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh, hàng hóa nhập ngoại với phẩm cấp tốt, lại được ưu đãi về thuế sẽ tràn về thị trường trong nước. Người tiêu dùng sẽ có nhiều quyền lựa chọn hơn, có cơ hội được sử dụng những sản phẩm ngoại với giá cả phải chăng hơn. Đối với hàng hóa trong nước, tuy đã có những cải tiến nhất định nhưng nhiều sản phẩm nội vẫn chưa thực sự thu hút cả về chất lượng bao bì lẫn sản phẩm, chính vì vậy nếu không nhanh chóng thay đổi, việc mất thị phần vào tay DN ngoại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp đã “trở về nhà”

Trước những thách thức trong bối cảnh mới, nhiều DN đã lựa chọn thị trường nội địa là mục tiêu chính để hướng tới.

Đơn cử như Công ty cổ phần Phúc Sinh chuyên xuất khẩu các sản phẩm nông sản ra thế giới, theo đại diện DN cũng nhờ thị trường nội địa mà có cơ hội phát triển trong thời dịch. Ngay khi dịch xảy ra, Phúc Sinh đã cơ cấu lại hoạt động, xác định việc phải chuyển hướng kinh doanh trên nền tảng số hoá để tiếp thị sản phẩm và tăng bán hàng tại nội địa. Nhờ đó, kênh bán nội địa tăng trưởng 100% (qua online, cửa hàng và siêu thị) với doanh thu đạt 2-4 tỷ đồng/tháng.

Với Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc cho biết, thị trường nội địa luôn là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh mà DN xây dựng. Dù trong bối cảnh khó khăn của đại dịch nhưng năm 2020, May 10 không những không giảm mà đã mở thêm 5 cửa hàng lớn trong nước.

“Thị trường nội địa không chỉ là bệ đỡ khi thị trường xuất khẩu bị gián đoạn mà với May 10, thị trường nội địa luôn được coi trọng như thị trường xuất khẩu, trong đại dịch nó càng thể hiện rõ hơn và có những bước đi vững chắc hơn. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2021 sẽ tăng trưởng tại thị trường nội địa từ 20 - 30% so với năm 2020”, ông Việt chia sẻ.

Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, khi DN hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, DN làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai.

Tuy nhiên, để có thể làm chủ trên “sân nhà”, DN Việt cần nhanh chóng thay đổi và tự làm mới mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, DN cần tận dụng những lợi thế về am hiểu thị trường, yếu tố văn hóa, truyền thống, nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước… để có thể tạo ra khác biệt so với DN ngoại. Cùng với đó, điều quan trọng nhất là liên kết giữa các DN, đầu tư về công nghệ để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt, giá cả phải chăng. Đồng thời chú ý cả về yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

“Chỉ khi DN có chỗ đứng vững chắc trên sân nhà thì mới có thể vươn ra thế giới. Một khi đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường trong nước, DN có thể tự tin để chinh phục các thị trường cao cấp và khó tính hơn”, ông Phú nhấn mạnh.

Bài và ảnh Quỳnh Trang

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-viet-can-chiem-linh-san-nha-110728.html

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết