A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu trực tuyến: Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) nhận định, xuất khẩu trực tuyến sẽ khắc phục được 3 yếu điểm so với xuất khẩu truyền thống đó là tăng số lượng sản phẩm xuất khẩu, xóa nhòa khoảng cách địa lý và giảm đáng kể chi phí. Từ đó giúp sản phẩm Việt vươn xa, tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới.

 

Bắt nhịp xu thế

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Đây là một lợi thế để đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thúc đẩy quá trình số hóa doanh nghiệp.

Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến “Phát triển xuất khẩu cùng thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của doanh nghiệp đã không còn xa lạ. Đặc biệt dự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến tư duy và cách mua bán của doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhiều thay đổi.

xuat khau truc tuyen nhieu co hoi cho doanh nghiep viet
Xuất khẩu trực tuyến đang trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp

Theo đó dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ là ba vùng xuất khẩu lớn của các nước, trong đó có Việt Nam đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động giao thương, từ đây các doanh nghiệp đã nhìn nhận lại hoạt động của mình và tìm cách thay đổi. Nếu như trước kia, doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức truyền thống là đưa sản phẩm từ nơi này đến nơi khác thì giờ đây, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến xuất khẩu trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Tín, xuất khẩu trực tuyến sẽ khắc phục được 3 yếu điểm so với xuất khẩu truyền thống đó là tăng số lượng sản phẩm xuất khẩu, xóa nhòa khoảng cách địa lý và giảm đáng kể chi phí. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu cũng sẽ được giảm tải cho doanh nghiệp, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa của doanh nghiệp cũng tốt hơn, chỉ dẫn địa lý sẽ được cải thiện. Trước đây, chỉ dẫn địa lý sản phẩm của Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao yếu tố này. Từ đó giúp sản phẩm Việt vươn xa, tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới.

Nhiều điểm tựa để bứt phá

Theo thống kê tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2020 đạt 41% (so với 17% của năm 2014) trong tổng số thương mại điện tử toàn cầu và được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa.

Đại diện sàn thương mại điện tử Amazon, ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc khu vực phía Nam Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, thương mại điện tử đang trở thành một xu thế rõ rệt, chứng minh là kênh không chỉ giúp người tiêu dùng có thể duy trì mua sắm mà doanh nghiệp còn có thể tiếp tục kinh doanh, mở rộng thị trường.

So với xuất khẩu truyền thống, thông qua thương mại điện tử, doanh nghiệp chỉ cần ngồi ở Việt Nam nhưng có thể phục vụ khách hàng trên toàn cầu, hoàn toàn không có sự cản trở về không gian, thời gian. Đây là điều khác biệt lớn nhất. Mặt khác, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng sàn thương mại điện tử để xây dựng thương hiệu, đem sản phẩm “Made by Việt Nam” ra thị trường thế giới. Nếu như với thời điểm trước, rất khó để mang hàng Việt ra toàn cầu nhưng hiện tại có thể đem sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước ra thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường tiềm năng khác.

Hiện sàn này đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến sang các thị trường toàn cầu, đặc biệt là một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… Đặc biệt, Amazon nhấn mạnh ba ngành hàng: nhà cửa - đời sống, thời trang, thực phẩm đang thành công tại thị trường Mỹ và đây cũng chính là các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam. Đơn cử như dự báo ngành hàng nội thất sẽ có doanh số bán hàng trực tuyến năm 2024 đạt 126 tỷ USD; đối với ngành hàng thời trang và phụ kiện, sức mua trực tuyến sẽ đạt 194 tỷ USD vào năm 2024 và luôn là ngành hàng có nhu cầu mua trực tuyến lớn nhất. Riêng đối với ngành hàng thực phẩm, doanh số bán hàng trực tuyến năm 2023 dự kiến có giá trị gần 60 tỷ USD. Đây được xem là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Mỹ.

Thực tế cho thấy, hiện đã có nhiều thương hiệu Việt thành công trong việc xuất khẩu hàng trực tuyến và dần tạo lập được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Bà Tạ Thị Mỹ Tho – Quản lý Kinh doanh tại Công ty GCAP Việt Nam chia sẻ, trước kia, công ty vẫn thực hiện xuất khẩu truyền thống, giờ đây sau khi chuyển sang xuất khẩu qua thương mại điện tử, các chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp này ngày càng tích cực hơn. Bên cạnh đó, thông qua phản hồi của khách hàng, sản phẩm của công ty đang ngày càng hoàn thiện và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Trong thời gian tới, dự kiến công ty sẽ mở rộng phân phối, đưa sản phẩm sang các thị trường tiềm năng mới.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử cũng có nhiều thách thức, nhất là đối với các DNNVV. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, doanh nghiệp muốn bắt đầu xuất khẩu trực tuyến cần đảm bảo yếu tố về con người đầu tiên, cần có đội ngũ nhân công sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Tiếp theo là trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho chuyển đổi số và nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Hiện nay, đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số và cụ thể là xuất khẩu trực tuyến. Về thủ tục hành chính cũng đang dần đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến, ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Phân khúc khách hàng MM và USME Techcombank cho biết, hiện ngân hàng này đã có đội ngũ chuyên gia tư vấn riêng của từng ngành, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có sản phẩm dành riêng cho doanh nghiệp tối ưu chi phí về xuất khẩu. Các công cụ thanh toán trực tuyến cũng được đẩy mạnh để giúp doanh nghiệp có cách thức kinh doanh tiện lợi nhất, tối ưu được chi phí.

Quỳnh Trang

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-truc-tuyen-nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-113562.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết