A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam - điểm đến của đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới

“Tư duy đổi mới sáng tạo (ĐMST) phải có từ trong mỗi người dân, doanh nghiệp tới công chức, viên chức và Chính phủ. Chúng ta đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. ĐMST chính là cơ hội để thoát bẫy”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng trước ngày khởi công Trung tâm ĐMST quốc gia và khai mạc triển lãm quốc tế đầu tiên về ĐMST Việt Nam.

viet nam diem den cua doi moi sang tao trong ky nguyen moi
Ông Trần Duy Đông

Chính phủ đã xác định chủ đề của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, ĐMST, khát vọng phát triển”. Theo Thứ trưởng, ĐMST có ý nghĩa và vai trò như thế nào với đất nước lúc này?

Chúng ta đang đứng trước nguy cơ hoặc đi ngang, hoặc rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thực tiễn trên thế giới cho thấy có những quốc gia mắc kẹt trong bẫy như Philippines chẳng hạn, tới 15 năm.

ĐMST là một trong những giải pháp giúp cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể thoát được bẫy thu nhập trung bình khi nó buộc các cơ quan, tổ chức… phải thay đổi mô hình quản trị, cách thức quản lý và phương pháp kinh doanh. ĐMST chính là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Ông có thể phân tích rõ hơn về ĐMST trong thực trạng hiện nay?

ĐMST không là những gì cao siêu, mà chính là từ những sáng kiến nhỏ có ích cho cộng đồng, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng. Đó là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể hằng ngày, hằng giờ, trong những hoạt động từ đơn giản đến phức tạp của cá nhân, tổ chức, DN.

Cần khuyến khích tư duy ĐMST trong mỗi người dân, để người dân vừa là đối tượng của các chính sách thúc đẩy ĐMST, nhưng cũng đồng thời là chủ thể chính của các hoạt động ĐMST. Tư duy ĐMST phải có trong mỗi người dân, doanh nghiệp tới Chính phủ để từ đó tạo ra một làn sóng hay văn hoá ĐMST để tạo ra tiền đề cho sự phát triển của quốc gia.

Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021) diễn ra trong hai ngày 9 và 10/1/2021 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) là một hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người dân, của doanh nghiệp và xã hội về ĐMST.

VIIE 2021 là triển lãm quốc tế đầu tiên về ĐMST của Việt Nam, nơi hội tụ một hệ sinh thái ĐMST rộng lớn của Việt Nam và thế giới với quy mô tới hơn 150 gian trưng bày với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của cả nước ngoài và Việt Nam như Viettel,Vingroup, MoMo, CMC; Samsung, Hyosung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens và cả cộng đồng startups và các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hàng chục quỹ đầu tư.

viet nam diem den cua doi moi sang tao trong ky nguyen moi
Đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp giúp cho một quốc gia thoát được bẫy thu nhập trung bình

Thứ trưởng kỳ vọng gì ở sự kiện đặc biệt ấn tượng này?

VIIE 2021 là triển lãm quốc tế đầu tiên về ĐMST của Việt Nam, nơi hội tụ một hệ sinh thái ĐMST rộng lớn của Việt Nam và thế giới. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Đồng thời thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến của ĐMST của khu vực trong kỷ nguyên mới

Triển lãm sẽ kết nối đầy đủ các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, hướng tới xây dựng hệ thống ĐMST lấy doanh nghiệp là trung tâm, Viện- trường là chủ thể nghiên cứu và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST trong giai đoạn tới.

VIIE 2021 nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong hệ sinh thái ĐMST.

Cũng trong ngày 9/1/2021 sẽ khởi công công trình xây dựng Trung tâm ĐMST Quốc gia có tên giao dịch quốc tế là Vietnam National Innovation Center (NIC). Tổng mức đầu tư tới 750 tỷ đồng, đến từ những nguồn nào, có vốn nước ngoài không?

Tổng vốn đầu tư Trung tâm này là 750 tỷ đồng là vốn huy động ngoài ngân sách, do nhà tài trợ và các doanh nghiệp đóng góp. Đã có nhà tài trợ Hàn Quốc đóng góp vào dự án này.

Và kỳ vọng gì đặt vào NIC, thưa Thứ trưởng?

Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm ĐMST NIC với mong muốn của Chính phủ Việt Nam khi: đưa NIC trở thành trung tâm ĐMST của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên mới.

VIIE 2021 và NIC là nơi kết nối và huy động nguồn lực từ mạng lưới tri thức trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng hệ thống ĐMST Việt Nam.

NIC không chỉ là nơi đặt các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, là nơi đặt văn phòng của các tập đoàn, doanh nghiệp và là nơi làm việc của các nhà khoa học…

NIC được xây dựng để trở thành mô hình thúc đẩy ĐMST Việt Nam với cơ chế vượt trội, nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Đây sẽ là nơi hội tụ của các tổ chức, doanh nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế.

Làm thế nào tạo động lực, gỡ bỏ rào cản cho ĐMST? Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia vào việc hoàn thiện khung pháp luật cho ĐMST như thế nào?

Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng khung khổ pháp luật đầy đủ phải là giải pháp quan trọng hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và ĐMST một cách tốt nhất. Bởi đây là động lực chính thúc đẩy ĐMST của Việt Nam trong tương lai.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị quy định rất rõ và cụ thể nhiệm vụ của từng bộ ngành, cơ quan liên quan về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tham gia CMCN 4.0.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang tập trung sửa đổi Nghị định 39/2018/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận các công nghệ hàng đầu thế giới cũng như doanh nghiệp và các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới. Đồng thời tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn để các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lớn có thể dễ dàng tham gia vào lĩnh vực ĐMST, thuận lợi hợp tác với các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam. Những quy định như các nhà đầu tư tư nhân có thể thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng không được thành lập tư cách pháp nhân hay chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... cần được xem xét để có những hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, hỗ trợ cho ĐMST.

Tri Nhân thực hiện

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-diem-den-cua-doi-moi-sang-tao-trong-ky-nguyen-moi-110740.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết